[Review Sách] Kể chuyện thông qua dữ liệu – Storytelling with Data

[Review Sách] Kể chuyện thông qua dữ liệu – Storytelling with Data

Bài viết này mình sẽ đưa ra đánh giá của bản thân sau khi đọc xong cuốn Storytelling with Data của tác giả Cole Nussbaumer Kanaflic. Đây là một trong những cuốn bán chạy nhất trên Amazon và đã có bản dịch tiếng Việt của dịch giả Hồ Vũ Thanh Phong và do MZBook xuất bản.

Trước khi bắt đầu, hãy xem 1 ví dụ trước và sau khi một điều đồ đã được trực quan hóa dữ liệu bên dưới. Cùng 1 dữ liệu, nhưng bạn thích cái nào hơn?

161840396_3650442565075195_7541185696535609551_n-1024x768
Một ví dụ về 1 biểu đồ trước và sau cải biến.

Về tác giả viết cuốn sách này

Một người có chuyên môn về thiết kế trực quan những thông tin định lượng sao cho hữu hiệu. Cole thuộc đội ngũ phân tích nhân sự của Google và có bằng cử nhân Toán Ứng Dụng và Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh của Đại Học Washington cấp.

Cuốn sách này có nội dung chính là gì?

Giống như tên gọi của nó, là Kể chuyện qua dữ liệu.

Ô hay, dữ liệu có gì mà phải kể chuyện, không phải càng nhiều dữ liệu càng tốt, nó có các con số, bảng biểu. Không phải chúng ta chỉ cần lượng hóa ra các con số hay sao?

Ban đầu cầm cuốn sách này, bản thân mình cũng nghĩ thế. Hóa ra nhiều dữ liệu nó quan trọng, nhưng không phải ai khi nhìn vào dữ liệu đó cũng hiểu và biết phải làm gì. Cuốn sách này dành cho ai có nhu cầu truyền đạt thông tin đến người khác thông qua con đường dữ liệu.

  • Người phân tích hay cần trình bày, giới thiệu thông tin cho người khác. VD: Trình bày kế hoạch đầu tư, kinh doanh, dự án mới…. cho ban lãnh đạo, nhà đầu tư.
  • Chủ doanh nghiệp. Sau khi đọc xong cái cuốn này mình chợt phát hiện ra thiếu sót của chính bản thân mình luôn. Mình hiểu tầm quan trọng của dữ liệu nên đã lưu trữ hết những thứ mình có. Vì các biểu đồ và bảng của mình nó chưa chuẩn lắm và còn phức tạp, điều này dẫn tới mình bỏ qua các chi tiết quan trọng.

Ví dụ dưới đây có 1 đoạn nói về việc giản lược thông tin để cải thiện khả năng tiếp cận. Một ví dụ rất gần với bên mình đó là số lượng nhân sự và số Ticket được giải quyết.

161458354_141823664495213_1339110582981411074_n-1-768x1024
Ví dụ về việc giản lược dữ liệu trong biểu đồ

Khi chúng ta biết rõ các biểu đồ chúng ta tạo ra để nhằm mục đích chính là gì, lược bỏ dữ liệu dư thừa sẽ giúp việc truyền tải thông tin trở nên nhanh chóng và dễ dàng ra quyết định nhanh và chính xác hơn. (Chính cái ví dụ này còn làm mình quên mất việc, mình chưa tạo biểu đồ thống kê số lượng nhân sự và số ticket team mình đang làm :D, mối liên hệ giữa số công việc và doanh thu công ty có thể đạt được – đã note để sau làm luôn)

Nội dung cuốn sách

161348699_759033884723783_5134090682760169800_n-1-768x1024
Mục lục của cuốn sách.

Cole cung cấp các nguyên tắc về cách tạo lập biểu đồ, phân tích các loại biểu đồ, biểu đồ nào tốt, biểu đồ nào nên sử dụng và biểu đồ nào bạn nên bỏ. Có nhiều loại biểu đồ nhưng đừng quan tâm, chỉ cần 3 loại là gần như thể hiện được mọi thứ trên đời rồi. Trong đó dạng đường là đơn giản nhất, dễ thể hiện, dễ hiểu.

Trong mỗi chương thì tác giả đi từ cơ bản tới nâng cao, mình nghĩ ai rồi cũng sẽ bất ngờ với những thứ bạn sẽ đọc. Khi đọc hãy nhớ lại những lúc bạn đã làm báo cáo, biểu đồ, những chúng ta trình bày trước mọi người… nhớ lại xem họ có thực sự thích thú và hiểu những gì bạn đang trình bày hay không?

Cá nhân mình khi nghĩ lại thì thấy về góc độ chia sẻ và nói về 1 chủ đề nào đó, mình làm tương đối tốt. Nhưng khi trình bày liên quan tới dự án, kế hoạch trước các tập đoàn thì những buổi mình làm mình thấy còn kém. Có nhiều lần bị vặn hỏi dữ liệu, nhìn biểu đồ mà đối tác phải hỏi lại rất nhiều lần.

Chương 1: Xác định ai là đối tượng mục tiêu và cái chúng ta đang làm để làm gì.

Cái tên nói lên tất cả rồi :D.

Chương 2: Các loại biểu đồ hiện có và bạn nên sử dụng các loại biểu đồ nào và nên tránh biểu đồ gì (VD: Biểu đồ 3D cực kỳ tệ).

Chương 3: Loại bỏ sự rối rắm.

Chương 3 cũng đề cập tới nguyên tắc Gestalt trong nhận thức về thị giác. Bạn cũng sẽ bất ngờ vì giá trị của khoảng trắng trong trình bày. Từ nay mình không sợ khoảng trắng nữa :D.

Chương 4: Cách thu hút sự chú ý của đối tượng mục tiêu (nên đọc lại 2 lần :D)

Ở đây tập trung nói về cách mọi người nhìn nhận dữ liệu. Một số khái niệm về quan sát (VD: mắt người đọc theo hình chữ Z, cái nào bố trí trước, sau), và trí nhớ.

Có những thứ trong vô thức của con người và bạn có thể dẫn lỗi người xem qua cách mà bạn muốn họ xử lý.

Chương 5: Học cách tư duy như một nhà thiết kế.

Khi bạn trực quan hóa dữ liệu đối tượng mục tiêu sẽ dễ dàng hiểu được. Khi mội ai đó cảm thấy một điều gì đó thật khó hiểu, họ có xu hướng tự trách bản thân mình.

Tư duy thiết kế ở đây từ cách sử dụng các thẻ in đậm, in nghiêng, gạch chân… đến cách sử dụng màu sắc sao cho nó dễ hiểu và đơn giản để truyền tải đi thông điệp.

Tin mình đi, bạn sẽ bất ngờ, chỉ 1 chút thay đổi về màu sắc thôi, có khi giúp bạn ra quyết định và thuyết phục hơn rất rất nhiều. (Xem một ví dụ hay ho này nhé)

161844819_1159756564459931_4890626030246882237_n-768x1024
Mộ thiết kế thiếu tính thẩm mỹ.
161867987_267858441512696_3087419051356574120_n-768x1024

Cùng 1 biểu đồ, nhưng chỉ thay đổi về màu sắc. Nếu bạn đọc kỹ thì ở chương 3 đã có rồi :D, nhưng chương 5 này làm rõ hơn.

Chương 6: Phân tích mẫu hình ảnh trực quan

Ở các chương khác chúng ta biết phải nổi bật, làm lu mờ cái gì. Nhưng, làm sao để lựa chọn hình ảnh trực quan, bố cục tương đối của dữ liệu, căn chỉnh và sắp xếp các yếu tố và cách sử dụng ngôn từ?. Ví dụ để thể hiện một cái gì đó đang đi lên hoặc đang đi xuống.

Chương này mình đọc cũng thấy chúng hơi khó lĩnh hội, đến giờ bản thân mình vẫn hơi mơ hồ về chương này. Vì tác giả đưa ra các ví dụ mà phải rút bài học từ các ví dụ đó, tốt nhất cứ lấy điện thoại ra mà note. Ở cuối bài mình để phần tổng kết và một số thói quen mình nghĩ bạn nên làm khi đọc cuốn này.

Chương 7: Những bài học về lối dẫn chuyện

Phần này nói về việc bạn thu hút mọi người. Đọc xong bạn sẽ thấy, mấy anh chị diễn giả có cách dẫn chuyện quen quen :D. Vì thực ra là anh chị ấy đang đi theo đúng công thức :D.

Khi trình bày nó khác việc viết mở bài, thân bài, kết luận… nó cần có sự liên kết để người dùng chuyển tự nhiên từ phần này qua phần khác và thu hút họ, hướng họ tới câu chuyện của bạn. Tóm lại là chương này giúp bạn dẫn dắt mọi người, chỉ cho bạn cái gì nên nói trước, nói sau, lựa chọn chủ đề. Kỹ năng của mình khá ổn trong phần này vì có tới 4 năm lang thang ở hết các hội thảo chuyên môn rồi :D.

Chương 8: Kết nối lại với nhau

Chương này sẽ chỉ cho bạn đọc cách liên kết các chương mà bạn đã học qua 1 ví dụ về trình bày, thuyết phục một giá bán cụ thể cho một sản phẩm.

162094163_283805853179386_4721694831618303938_n-768x1024

Chương 9: Case Study

Nếu phải đánh giá chương nào hữu ích, thì mình thích chương này nhất. Mình cũng là nhóm tương đối lười và thích những gì trọng tâm (Thậm chí đọc sách nhiều khi cứ lấy cái cuốn sách ra, đọc mục lục, xem chương cuối, giữa rồi lại vòng ra cái chương đầu).

Học từ Case Study của một người khác sau đó liên tưởng, suy nghĩ lại về những gì mình đã làm, đã trải qua. Sau đó mình ghi lại những gì đã làm tốt và chưa tốt để làm kinh nghiệm cho những lần sau.

162072331_521187402184490_1867000534057970677_n-768x1024
Nội dung chính của chương số 9

Công ty mình ngoài làm Website, còn một mảng là phần mềm nữa. Vì thế mấy case study này giúp mình có một số gợi ý cho biểu đồ mà mình đang thể hiện ở trong các phần mềm.

Chương 10: Quan điểm cuối cùng

Cole sẽ cung cấp các tài nguyên, công cụ. Powerpoint không phải là cái duy nhất, còn nhiều cái định cao hơn được tác giả đề cập tại đây.

Ngoài ra cũng có rất nhiều website được giới thiệu tham khảo để bạn đọc thêm về trực quan hóa dữ liệu nữa.

Kết luận

Căn bản vì mình thuộc đúng nhóm đối tượng của cuốn sách. Nên những ví dụ và những thứ đề cập trong cuốn sách nó liên quan trực tiếp tới công việc của mình. Khi đọc hết cuốn này, điều mình muốn nhất là gửi nó cho Team Dev :D, nếu team đó mà đọc thì mình tin chắc sản phẩm bọn mình làm ra sẽ hữu ích và giúp đỡ cho khách hàng quản lý đơn giản hơn nữa.

Cảm xúc hay lừa chúng ta, nhưng dữ liệu thì không. Nhưng quan trọng hơn nữa là bạn phải xây dựng dữ liệu cho bản thân và cho người khác dễ hiểu, đơn giản, đúng mục tiêu để từ đó giúp bản thân và đội nhóm có quyết định nhanh chóng và chính xác.

Tác giả có rất nhiều ví dụ trực quan trong cuốn sách, khi đọc thì cứ lấy điện thoại ra chụp rồi bạn có thể ghi chú lại ở đâu đó (nhớ phải lưu nó riêng ra 1 góc, ví dụ sếp nó vào 1 thư mục – những mẫu biểu đồ hay ho và này nọ) chẳng hạn. Bạn có thể sẽ phải tham khảo chúng lại sau này lắm đấy, thậm chí chúng ta có thể cải tiến và đơn giản nó hơn nữa (Vì làm lại, làm sau cơ mà). Tại sao lại không?

Góc dành cho quảng cáo (mua cuốn sách này ở đâu): Tại Sunbook  (Để luôn cho các bạn đỡ phải tìm).

Đây là bài đầu tiên trong mục tiêu review cái đống sách ít ỏi của mình. (mình hy vọng qua việc chịu khó ngồi review sách này sẽ kích thích khả năng chịu khó đọc sách ở bản thân, có một nơi ghi chú những thứ mình cần và cùng chung tay khơi dậy tinh thần đọc sách của mọi người). Có gì thiếu sót, mong các bạn góp ý để mình hoàn thiện hơn mỗi ngày.

Chúc bạn thành công !

Tác giả:Nguyễn Cao Tú

Sách mới:

Storytelling With You – Kể Chuyện Từ Chính Bạn

Bài viết liên quan