4 yếu tố tạo nên 1 SLOGAN đắt giá

4 yếu tố tạo nên 1 SLOGAN đắt giá

Để tạo nên sức hấp dẫn của sản phẩm hoặc thể hiện được nét riêng biệt của 1 doanh nghiệp, slogan thường chỉ là một cụm từ đơn giản, dễ nhớ dễ hiểu nhưng phải thật độc đáo. Vì thế tạo ra 1 slogan đã khó, 1 slogan hay còn khó gấp nghìn lần.

Trên thực tế không có slogan hoàn hảo, chỉ có slogan phù hợp với định hướng kinh doanh và định vị thương hiệu trong mỗi giai đoạn nhất định của doanh nghiệp. Vậy, làm thế nào để biết 1 slogan là tốt hay không, chúng ta sẽ cùng đi xem xét 4 yếu tố sau đây:

1, Có tính khác biệt

Mục tiêu của mọi doanh nghiệp đều là tạo ra giá trị khác biệt, mang tới những trải nghiệm chưa từng có cho khách hàng của mình. Trong vô vàn những thương hiệu đang tồn tại trên thị trường, nếu bạn nhạt nhòa thì đừng bao giờ hy vọng khách hàng có thể ghi nhớ và yêu thích sản phẩm của bạn.

Nếu đối thủ của bạn đã tạo ra được 1 slogan có giá trị, đừng cố tốn công để tạo ra những từ có ý nghĩa tương tự, bạn sẽ chẳng thể nào để lại dấu ấn trong lòng khách hàng nữa. Thay vào đó, hãy cho họ thấy những giá trị khác biệt mà sản phẩm của bạn có thể tạo ra, khác biệt về chức năng, khác biệt về cảm xúc,… tóm lại là những thứ mà đối thủ không thể có.

1 số nhãn hàng đã tạo ra những slogan để lại dấu ấn trong lòng khách hàng như Aquafina với cụm từ “Hơn cả sự tinh khiết”, nước mắm chinsu với từ “thơm ngon tới giọt cuối cùng” hay cà phê Trung Nguyên với “khơi nguồn cảm hứng”,…

2, Gợi liên tưởng tích cực cho khách hàng mục tiêu

Để khách hàng ghi nhớ thương hiệu của mình hãy mang tới cho họ những cảm xúc tích cực. Đừng bao giờ lựa chọn những từ ngữ dễ gây hiểu lầm, hiểu sai, hiểu theo nghĩa tiêu cực. Slogan ngắn gọn, dễ nhớ, tạo liên tưởng tốt sẽ dễ đi vào lòng người và khơi gợi cảm xúc tốt nhiều hơn.

Lấy ví dụ với thương hiệu Bitis, họ biết cách đánh vào cảm xúc của người nghe, slogan hợp với sản phẩm. Người mang sản phẩm của họ sẽ có cảm giác bàn chân của mình luôn được nâng niu, trân trọng. “Bitis – Nâng niu bàn chân Việt”.

3, Thể hiện dấu hiệu nhận biết ngành nghề

Nếu bạn là 1 doanh nghiệp mới bắt đầu kinh doanh đang muốn giới thiệu sản phẩm mới hoặc thương hiệu của bạn không mới nhưng chưa được khách hàng biết tới thì trong slogan nên ưu tiên nói về ngành nghề của mình. Khách hàng cần phải biết tới sản phẩm của bạn là gì trước khi biết tới những đặc điểm nổi bật của sản phẩm đó.

Ví dụ sản phẩm Tôm Bắc Cực là sản phẩm mới xuất hiện tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên chỉ mới nghe tên khách hàng vẫn chưa hiểu được đây là sản phẩm gì. Dưới sự tư vấn của Richard Moore Associates, slogan “Tôm nước lạnh đầu tiên tại Việt Nam” đã được ra đời giúp khách hàng phân biệt rõ sản phẩm của công ty với các loại tôm nước ngọt, tôm nước lợ hay tôm nước mặn khác.

4, Gắn gọn, xúc tích, dễ nhớ

Thị trường kinh doanh ngày một mở rộng, lượng thông tin về các doanh nghiệp, sản phẩm ngày càng nhiều khiến khách hàng dễ bị ngộp. Để doanh nghiệp của mình không bị chìm nghỉm giữa vô vàn các đối thủ khác trên thị trường, bạn cần tạo ra 1 slogan thật ngắn gọn, đơn giản và ý nghĩa. Sử dụng những từ càng phổ biến, càng dễ hiểu càng tốt.

Để tạo ra 1 slogan đắt giá trước hết bạn phải trả lời được 2 câu hỏi: bạn muốn khách hàng nhớ tới điều gì của sản phẩm và làm thế nào để họ nhớ đến như cách chúng ta vẫn nhớ đến các thương hiệu khác. “Simple is best” đừng làm mọi thứ trở nên phức tạp, sáng tạo bằng ngôn ngữ đơn giản nhất, dễ hiểu nhất đó mới là thách thức thật sự của những người làm slogan.

Tổng hợp: MediaZ

Bài viết liên quan